Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn điều lệ?

Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn điều lệ?

Vốn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường kinh doanh. Khi thành lập, việc đăng vốn điều lệ có thể sẽ phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 

Căn cứ pháp lý

– Luật doanh nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

– Thông tư 01/2021/ TT–BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;

– Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2016/NĐ-CP;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…).

Vốn điều lệ là gì?

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập công ty là mức vốn mà thành viên công ty cam kết góp được ghi nhận trong điều lệ của công ty. Tùy vào năng lực và tiềm lực tài chính của cá nhân, tổ chức mà doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ phù hợp.

Vai trò của vốn điều lệ trong việc thành lập doanh nghiệp

Thứ nhất, vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty.

Cụ thể theo Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty. Thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ một số trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, vốn điều lệ là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; Kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; Hành nghề giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả,…

Thứ ba, số vốn điều lệ được công bố công khai sẽ là một trong những thông tin đảm bảo cho doanh nghiệp của bạn khi tham gia hoạt động thương mại trên thị trường, cũng như tạo nên niềm tin về phía đối tác, khách hàng.

Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn điều lệ?

Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định mức vốn tối thiểu hay tối đa khi thành lập doanh nghiệp (ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định). Vốn điều lệ chính là cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Nếu vốn điều lệ quá thấp thì sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp sẽ bị giảm xuống, khó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác trong kinh doanh. Đặc biệt, khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng thì với số vốn điều lệ quá thấp có thể sẽ làm cho ngân hàng cảm thấy không tin tưởng để cho vay số vốn vượt ngoài khả năng và vượt ngoài vốn điều lệ của doanh nghiệp. Còn nếu để mức vốn điều lệ quá cao thì cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng lên, điều đó sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro đối với nghĩa vụ trả nợ nếu như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Do đó, tùy thuộc vào khả năng tài chính và quy mô kinh doanh, chủ doanh nghiệp tự quyết định và đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng của mình.

Khi đăng ký doanh nghiệp, các đơn vị cần phải chứng minh vốn điều lệ và phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung đã kê khai. Việc chứng minh phần vốn góp của thành viên công ty là hoàn toàn cần thiết. Các thành viên góp vốn hoặc cổ đông sẽ phải nắm giữ các giấy tờ để chứng minh mình đã góp vốn vào công ty cũng như lấy đó làm căn cứ để phân chia lợi nhuận sau này.

Doanh nghiệp phải góp đủ số vốn điều lệ đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời hạn quy định và vẫn không góp đủ vốn điều lệ thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ ( Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020).

Lưu ý: Theo điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài thì

Vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến thuế môn bài của doanh nghiệp đóng hàng năm như sau:

– Đối với vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: Nộp 3.000.000 đồng/năm

– Đối với vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: Nộp 2.000.000 đồng/năm

Thực trạng góp vốn điều lệ khi thành lập công ty

Hiện nay, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong việc quyết định mức vốn điều lệ đưa vào đầu tư kinh doanh, trừ những lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật quy định, doanh nghiệp phải chứng minh khả năng tài chính của mình khi vốn được giải ngân trong từng dự án kinh doanh cụ thể nhằm tạo niềm tin với đối tác, nhà đầu tư.

Pháp luật không có quy định về mức vốn điều lệ tối đa hay tối thiểu, nghĩa là không hạn chế việc bỏ tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh. Cá nhân/ tổ chức có toàn quyền quyết định mức vốn góp vào doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty và đảm bảo việc hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, cá nhân/tổ chức nên đăng ký mức vốn tương đối và phụ hợp cho việc kinh doanh của công ty mình để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có sau này.

Trên thực tế có rất nhiều đơn vị đã đăng ký vốn điều lệ công ty rất là thấp ( điển hình là có doanh nghiệp đã để vốn điều lệ là 1 triệu đồng). Việc này hoàn toàn không vi phạm pháp luật, tuy nhiên khi để mức vốn điều lệ thấp như vậy khi giao dịch với các ngân hàng, đối tác, khách hàng thì sẽ thường không được tin tưởng và bị hạn chế. Một số trường hợp khác, vì nhiều lí do khác nhau, mà các nhà đầu tư lúc đầu cam kết góp vốn, nhưng sau đó thì không góp hay không góp đầy đủ được như cam kết, dẫn đến việc doanh nghiệp đăng ký không đúng số vốn điều lệ thực. Khi cơ quan nhà nước không xác định được vốn điều lệ thực thì rất khó để tính trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, phân định quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư phải có nghĩa vụ góp vốn đầy đủ, đúng hạn, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp chính xác số vốn điều lệ

Lưu ý: Việc doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký chính xác số vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất lên đến 100.000.000 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Cụ thể, tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm về kê khai vốn điều lệ như sau:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả với vi phạm về kê khai vốn điều lệ: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Bình luận

Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.

Viết bình luận

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang
zalo
messenger