Việc tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường... là cần thiết nhưng cần có chế tài phù hợp đối với các doanh nghiệp cố tình kê khai, đăng ký vốn "khủng" không tưởng
Một số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập với vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng, gần 128.000 tỉ đồng... nhưng đến giờ vẫn chưa góp đủ phần vốn góp hoặc chỉ đăng ký cho có.
Đằng sau những "siêu đại gia"
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN vừa ghi nhận một trường hợp DN có số vốn "khủng" là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở như dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe...). Giấy đăng ký kinh doanh cho thấy DN này thành lập ngày 9-11-2018, có trụ sở tại phố Trích Sài, Hà Nội; tổng giám đốc là ông Bùi Văn Việt, SN 1953, ngụ TP Hà Nội. Năm 2018, DN đăng ký thành lập với số vốn điều lệ 132 tỉ đồng, trong đó có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn 52,8 tỉ đồng. Từ tháng 6-2019, DN này công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỉ đồng (tương đương 5,5 tỉ USD), cổ đông nước ngoài góp 51.161 tỉ đồng. Thời điểm hiện tại, địa chỉ trụ sở của công ty này chỉ có biển dịch vụ "rửa ôtô, xe máy ngày đêm" ở cổng, không có biển hiệu gì về Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu. Bên trong là một căn nhà cấp 4 khóa cửa, không có người ở.
Trụ sở nơi đăng ký công ty với vốn “khủng” gần 128.000 tỉ đồng của doanh nghiệp ở Hà Nội .Ảnh: MINH PHONG
Trước đó, một công ty mới thành lập ở Hà Nội cũng đăng ký vốn lên tới 144.000 tỉ đồng, sau đó thừa nhận do "ghi nhầm". Hồi cuối tháng 5-2021, dư luận xôn xao khi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) sáng lập một loạt công ty, trong đó Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) với vốn điều lệ đăng ký ban đầu 500.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 21,7 tỉ USD), tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM. Số vốn điều lệ này vượt xa nhiều lần những tập đoàn nhà nước và tư nhân lớn nhất của Việt Nam như Vingroup, EVN, Vietcombank, VietinBank, Hòa Phát... Ngay cả vốn điều lệ của DN niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng chỉ trên 48.000 tỉ đồng.
Theo quy định của Luật DN, trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm đăng ký thành lập, chủ DN phải hoàn tất việc góp vốn, nếu không sẽ phải đăng ký lại vốn điều lệ đúng với số vốn thực góp; trường hợp không khai báo giảm số vốn điều lệ sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Ngày 18-8 là hạn cuối để "siêu DN" 500.000 tỉ đồng góp vốn nhưng đến ngày 19-8 nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết DN này chưa có động thái gì về việc góp vốn như hồ sơ đăng ký ban đầu. "DN sẽ có thêm 30 ngày để đăng ký góp đủ số vốn ban đầu hoặc thông báo giảm vốn góp đúng thực tế. Nếu hết thời hạn trên, DN vẫn không thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, xử phạt theo quy định" - nguồn tin nêu rõ.
Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nhưng chưa nhận được phản hồi về kế hoạch góp vốn tiếp theo của Auto Investment Group. Trước đó, trong lần trao đổi với phóng viên và sau đó là livestream trên mạng xã hội, Nguyễn Vũ Quốc Anh đều khẳng định định hướng trở thành một tập đoàn hàng đầu, đại diện cho Việt Nam về mặt công nghệ ra thị trường. Thời điểm đó (tháng 6-2021), CEO 35 tuổi này thừa nhận bản thân ông không có gì ngoài chất xám. Trụ sở công ty lúc đó cũng là căn nhà cấp 4 ở TP Thủ Đức!
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, việc tạo môi trường thông thoáng, đơn giản thủ tục, hồ sơ cấp phép kinh doanh cho DN là cần thiết. Tuy nhiên, với những trường hợp như DN đăng ký vốn "khủng" gần như bất khả thi thì cơ quan quản lý cần giám sát và có biện pháp chế tài phù hợp. Điều 216 Luật DN cũng nêu rõ cơ quan đăng ký kinh doanh cần xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký DN, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN. Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích hiện tượng DN đăng ký vốn "khủng" là do các cổ đông, thành viên công ty không bị khống chế kê khai số vốn điều lệ, quy định trong hồ sơ đăng ký thành lập DN cũng không yêu cầu giấy tờ xác nhận hoặc bất cứ tài liệu nào chứng minh. "Việc kê khai vốn điều lệ do các cổ đông, thành viên công ty tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm" - luật sư Trần Tuấn Anh nói và chỉ ra thực trạng việc quản lý, giám sát góp vốn điều lệ như đăng ký kinh doanh còn bất cập.
Theo các luật sư, con số vốn "khủng" như trường hợp 500.000 tỉ đồng ở TP HCM, hay tăng vốn lên gần 128.000 tỉ đồng ở Hà Nội chỉ là "tiền trên giấy". Cũng không loại trừ các cá nhân lập DN có vốn điều lệ lớn nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong khi đó chế tài xử lý hành vi trên chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính (chỉ khi bị phát giác) cao nhất là 20 triệu đồng. Đây là mức phạt quá nhẹ so với hậu quả khó lường của việc làm trên có thể gây ra.
Luật sư Trần Tuấn Anh kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các DN có hành vi nêu trên để xử lý, tránh để gây ra hậu quả khó lường. Ngoài ra, các nhà làm luật cần xem xét tăng mức khung hình phạt đối với hành vi trên để có đủ sức răn đe DN khác phải biết tuân thủ pháp luật hơn.
Đăng ký kinh doanh không phải để đùa cợt!
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã nhận được báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM về trường hợp DN đăng ký vốn 500.000 tỉ đồng. Theo quy định của pháp luật, cho phép DN có thêm 30 ngày nữa để điều chỉnh số vốn đăng ký, các cơ quan chức năng đang chờ động thái của DN, cá nhân điều chỉnh vốn rồi sau đó mới tính các thủ tục liên quan. Nếu không thực hiện các biện pháp theo đúng trình tự pháp luật, sẽ có chế tài xử phạt. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đăng ký kinh doanh không phải là chuyện đem ra để đùa, quản lý nhà nước có chế tài, có quy định và không ai được lợi dụng để đùa cợt hoặc trục lợi.
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.
Viết bình luận