Công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc?

Công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc?

Sau khi nghỉ việc, công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động hay không? Nếu không chốt sổ bảo hiểm xã hội thì có bị xử phạt không?

1. Nghỉ việc bao lâu thì được chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 48 bộ luật lao động 2019 có quy định:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây khi chấm dứt hợp động lao động:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 cũng quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, dựa theo quy định nêu trên công ty sẽ có trách nhận xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN cho người lao động khi người lao động nghỉ việc (hay thường được gọi là chốt sổ BHXH).

2. Công ty chốt sổ BHXH không đúng quy định thì bị phạt bao nhiêu tiền?

(i) Căn cứ tại khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 12 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty chốt sổ BHXH không đúng quy định thì bị áp dụng mức phạt tiền như sau:

- Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

(ii) Ngoài mức phạt tiền nêu trên, công ty còn phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng.

3. Công ty không chốt sổ BHXH, người lao động cần làm gì?

Nếu công ty không chốt sổ BHXH thì người lao động thực hiện như sau:

(i) Khiếu nại

Công ty không chốt sổ BHXH thì người lao động có quyền khiếu nại trực tiếp đến công ty. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của công ty hoặc hết thời hạn nhưng khiếu nại không được giải quyết, người lao động thực khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

(Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị Định 24/2018/NĐ-CP)

(ii) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Người lao động có thể trực tiếp gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu giải quyết hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết mà không cần tiến hành hòa giải, khiếu nại.

(Căn cứ theo điểm d khoản 1 và khoản 7 Điều 188 bộ luật lao động 2019).

Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Luật Việc Làm 2013

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Bình luận

Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.

Viết bình luận

Bài viết liên quan:

Lên đầu trang
zalo
messenger